Trong khoảng hơn 10 năm vừa qua, nhạc Việt quốc nội trở nên sôi động, đặc biệt là trong khoảng 2015-2020, bên cạnh các dòng nhạc đương đại như rap, EDM, pop ballad, thì nhạc vàng cũng trở lại một cách ngoạn mục, trở thành một trào lưu ở trong nước. Trong khi đó thì nhạc Việt ở hải ngoại trở nên trầm lắng chưa từng có, kể từ khi nó được những người ly hương khai sinh ra từ khoảng đầu thập niên 1980.
Nhạc hải ngoại từng phát triển như vũ bão, đặc biệt là trong thập niên 1990, có được ảnh hưởng sâu rộng đến cả thị trường nhạc trong nước thuở đó vẫn còn rất sơ khai. Thời gian gần 30 năm trước, các quán cafe trong nước cùng với khắp hang cùng ngõ hẻm đều vang lên những bài hits ở hải ngoại. Thập niên 1990 có đến vài chục hãng sản xuất đĩa nhạc cùng hoạt động ở Hoa kỳ, lớn nhất là Làng Văn, Thúy Nga, Asia, Mây Production, Hải Âu, Ca Dao…
Tuy nhiên, do tác động của nạn băng dĩa lậu trong thập niên 2000 nên đa số các trung tâm băng nhạc này ngừng hoạt động.
Dù bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng trong thập niên 2000 nhạc hải ngoại vẫn rất sôi động với 3 trung tâm âm nhạc lớn thường xuyên hoạt động là Asia, Thúy Nga và Vân Sơn, nhưng rồi dần thoái trào trong thập niên 2010.
Nguyên do của việc này, ngoài việc nạn dĩa lậu tiếp tục hoành hành, thì sự phát triển của internet, sự thịnh hành của nhạc digital vì những tiện lợi và gọn nhẹ của nó đã trở thành một đòn giáng nặng nề đến những “thành lũy” cuối cùng của nhạc hải ngoại, dẫn đến sự sụp đổ của trung tâm Asia. Hiện nay khán giả không còn nhu cầu mua CD hay DVD như thập niên 1990 nữa, sự tiện lợi của nhạc digital đã làm sụp đổ cả một làng nhạc. Hiện nay chỉ còn lại trung tâm Thúy Nga là còn duy trì làm chương trình đại nhạc hội, nhưng không bằng được như trước. Đài SBTN cũng có làm một vài chương trình, nhưng rất hiếm hoi.
Làng nhạc hải ngoại hiện nay chỉ còn lại 1 vài studio chủ yếu làm chương trình mới để phát trên YouTube, như là MMG của ca sĩ Quốc Khanh, ca sĩ Huỳnh Phi Tiễn, nhạc sĩ Trúc Hồ.
Trước tình hình đó, nhạc sĩ Trúc Hồ, một trụ cột của trung tâm Asia thời vàng son, đang có ý định gầy dựng lại nhạc ở hải ngoại. Vài năm trở lại đây, dù sức khỏe kém đi nhiều nhưng anh vẫn cố gắng thực hiện các chương trình mới, gần nhất là một chương trình mà anh rất tâm huyết, đó là “Tình Ca Sau 1975”. Đây là chương trình đầu tiên của trung tâm Trúc Hồ Music sản xuất, sẽ được phát hành cả ở dạng DVD, CD lẫn digital copy vào cuối tháng 5 năm 2022.
Theo nhạc sĩ Trúc Hồ, điểm đặc biệt ở chương trình này là các ca sĩ thế hệ từ sau năm 1975 cho đến nay sẽ trình bày những bản “hits” được sáng tác sau năm 1975, những bài tiêu biểu của mỗi tác giả qua từng thời kỳ.
Có nhiều người vẫn nghĩ rằng những bài hát hay nhất, được yêu thích nhất của nhạc Việt nói chung đều đã được các nhạc sĩ sáng tác trước 1975, sau này không còn ca khúc nào tiêu biểu. Tuy nhiên, tại hải ngoại thập niên 1980, 1990, có rất nhiều ca khúc mới được ra đời và khán giả đón nhận, trở thành những ca khúc bất tử, như Mười Năm Tình Cũ của Trần Quảng Nam, Mười Năm Yêu Em của Trầm Tử Thiêng, Riêng Một Góc Trời của Ngô Thụy Miên, Đừng Xa Em Đêm Nay của Đức Huy… Sau này còn có thêm Tiễn Đưa (Lê Đức Long), Rong Rêu (Nguyễn Tâm), Dĩ Vãng (Trịnh Nam Sơn)… Tất cả những ca khúc này sẽ được nhạc sĩ Trúc Hồ dàn dựng lại với những bản hòa âm hoàn toàn mới cùng sự dàn dựng chuyên nghiệp của đài SBTN. Đạo diễn của chương trình này là Pierre Seguin, cũng là đạo diễn đã thực hiện những chương trình Asia đình đám nhất từ những năm thập niên 1990 trở về sau. Về phần hòa âm cho các bài hát, ngoài Trúc Hồ của có nhạc sĩ Trúc Sinh, Sỹ Đan và Mai Thanh Sơn.
Những ca sĩ tham gia trong chương trình này, ngoài những tên tuổi đã quen thuộc với khán giả yêu nhạc hải ngoại là Tuấn Vũ, Nguyên Khang, Thế Sơn, Lâm Nhật Tiến, Diễm Liên, Phillip Huy… còn có các ca sĩ trẻ được chính nhạc sĩ Trúc Hồ chọn lựa từ những người đạt giải cuộc thi hát SBTN Voice.
Nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết anh muốn gầy dựng lại một nền tảng để thế hệ trẻ có nơi trình diễn, nối tiếp thế hệ đi trước của dòng nhạc hải ngoại đã bị chựng lại trong những năm qua. Với cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài, việc duy trì một nền văn hóa, một dòng nhạc rất quan trọng, vì nó thể hiện bản sắc văn hóa, nếu một cộng đồng không có dòng nhạc cho riêng mình thì như là thiếu đi trái tim và linh hồn. Đây được xem là một cuộc hành trình mới của nhạc sĩ Trúc Hồ để phục dựng lại nền văn hóa của người Việt ở hải ngoại.
Đông Kha